Cổng vào đền Ototri, Asakusa
Văn hoá Nhật Bản

Lễ hội Gà trống Tori no ichi (酉の市)

Đây là năm thứ 3 mình tham gia lễ hội Gà trống và cũng ở đây mình nghe câu chúc mừng năm mới (良いお年を) sớm hơn tất cả chỗ khác luôn. Không khí vui tươi, rộn ràng, tấp nập, những tiếng vỗ tay hò hét, những câu chúc… làm nên một cái thềm năm mới vô cùng phấn khởi, thịnh vượng rất đẹp trong lòng mỗi người tham gia lễ hội này đó. Với bài viết này, mình hi vọng các bạn sẽ có thêm một chỗ để tham quan, trải nghiệm khi đến Tokyo mùa thu tháng 11 nhé!

Tori no ichi, thường được tổ chức 2-3 ngày trong tháng 11, nhằm vào các ngày Dậu của tháng 10 âm lịch. (theo 12 con giáp của Trung Hoa và vì ngày nay Nhật Bản không còn dùng lịch âm, nên tất cả các nghi lễ, phong tục, văn hoá đều chuyển sang sử dụng lịch dương)
Năm 2019, Tori no ichi sẽ tổ chức vào 2 ngày 8/11và 20/11 và diễn ra 24h/24h luôn đó.

Vì sao tên gọi là lễ hội Gà trống?

Hồi đầu, mình cũng thắc mắc vì mình cũng tuổi con gà nè, lại siêu ăn các món từ gà hihi. Tên lễ hội Gà trống vậy có gì cấm kỵ hay không nên ăn gà trong các ngày này tháng này không?

Sau khi tìm hiểu thì mình thở phào nhẹ nhõm luôn vì không liên quan gì tới…món gà yêu thích của mình hết. Yeah!
Ở Nhật Bản, gà trống là một biểu tượng linh thiêng, gắn liền với các câu chuyện thần thoại mang đậm nét đặc trưng của tín ngưỡng bản địa. Có truyền thuyết kể rằng, các vị thần dân tộc đã dùng tiếng gáy của những con gà trống to khỏe để đánh thức Nữ thần Mặt trời Amaterasu mang lại ánh sáng cho muôn loài.
Cổng vào đền Ototri, Asakusa

Thanh sào mà gà trống đậu lên chính là nguồn gốc của chiếc cổng Torii (鳥居), biểu tượng ngăn cách hai thế giới linh thiêng và phàm tục trong Thần đạo.  
Cổng vào đền Otori, Asakusa
Theo quan niệm dân gian, gà trống còn là sứ giả cảnh báo thời điểm dễ xảy ra hỏa hoạn nữa đó. Tháng 11, thời tiết bắt đầu lạnh dần, nhu cầu sử dụng lửa (sưởi ấm cũng ăn ăn lẩu hihi) nhiều hơn, thì nguy cơ hỏa hoạn cũng cao hơn, nhờ tiếng gà mà người ta sẽ nâng cao cảnh giác hơn.

Ý nghĩa của Tori no ichi?

Cũng như các phong tục, tập quán sinh hoạt văn hoá ở các nơi khác, mỗi dịp lễ hội đều mang một ý nghĩa nhất định. Tori no ichi là lễ hội cầu mong bình an cho cuộc sống và hồng phát trong kinh doanh, vì vậy người ta cũng hay gọi đây lễ hội dành cho giới thương gia. Chồng mình cũng từ khi ra kinh doanh riêng mới bắt đầu theo tín ngưỡng văn hóa của Tori no ichi đó, nên mình cũng vui ké luôn hihi.
Năm nay, vợ chồng mình sắp xếp xong công việc đến đền Otori, Asakusa thì đã xấp xỉ 7h tối và đoàn người xếp hàng vào đền thì…đông nghẹt. Người ta ước chừng có khoảng 700,000 lượt khách tham dự mỗi năm đó.
Xếp hàng đợi vào cổng đền.

Sau khoảng 1 tiếng rưỡi, vợ chồng mình cũng “rung chuông, cúi chào gập người 2 cái, vỗ tay 2 cái” (nghi thức vào cúng đền ở Nhật)
Bên trong ngôi đền Otori

Bước vào bên trong ngôi đền thì bao nhiêu âm thanh, màu sắc, ánh sáng từ vài chục cửa hàng bán Kumade (熊手) với rất nhiều màu sắc, kích cỡ trong hình cây cào (tượng trưng mô phỏng hình dáng của chiếc móng của gà, hoặc cây cào lúa trong nông nghiệp, tượng trưng cho sự may mắn, sung túc. Hầu hết, ai tham gia lễ hội này đều sẽ mua cho mình một cây cào tre về nhà, cầu mong “cào” được nhiều phúc lộc, tiền tài về nhà đó.
Một gian hàng bán Kumade
Trang trí trên Kumade là những biểu tượng chim hạc, mèo may mắn, thuyền châu báu, đèn lồng, đền vàng, các thẻ bài ghi câu chúc tụng thịnh vượng,…
Người ta còn tin rằng, nếu năm nay mua Kumade to hơn năm trước sẽ gặt hái được nhiều hơn, làm ăn khá hơn, bội thu hơn. Khi mua Kumade, bất kể lớn hay nhỏ, mọi người đều được nhân viên bán hàng cũng như mọi người đứng gần đó vỗ tay theo nhịp, hô vang “Hanjou Hanjou” (繁盛 繁盛) cùng nhau chúc may mắn, phát lộc cho người mua Kumade, không khí rất là phấn khởi, vui vẻ.
Đây là Kumade của nhà mình năm nay nè.

Với Kumade cũ của năm trước, mình đem tới, ngay trước cửa đền có người nhận lại. Mua Kumade thì mua ở đâu cũng được, nhưng nhà mình là 3 năm nay mua một chỗ duy nhất, ghi lại tên và thông tin kích thước Kumade, năm sau tới tra lại để mua kích thước lớn hơn, cầu nhiều may mắn, tài lộc hơn. Người bán còn dặn mình, nên cầm Kumade quay hướng mặt ra đường, ra khỏi lễ hội thì bỏ vào túi, đem về nhà thì để nơi thật cao, trang trọng. Tránh quay mặt Kumade về phía Bắc, nên hướng nơi nào có nhiều người qua lại, như cửa ra vào để “cào” điềm tốt vào nhà nữa đó.
Kumade thì từ 21h trước ngày diễn ra lễ hội, cũng đã có một vài cửa hàng mở bán rồi đó.

Ngoài ra, còn rất là nhiều cửa hàng ăn uống, đặc trưng không khí lễ hội như: bánh dày nướng, cá Ayu nướng muối, bánh xèo Okonomiyaki, kẹo đường…
Bánh dày nướng ở lễ hội.
Cá Ayu nướng muối.
Bánh Okonomiyaki
Kẹo đường

Tori no ichi rất vui luôn á, nhất là ngay cái dịp này, cái độ trời se se lạnh này, nhà mình đã bắt đầu thấy Tết đến nơi rồi nè, nhờ tham gia Tori no ichi mà về nhà lòng rộn ràng hơn, tâm trạng phấn khởi lên hẳn luôn đó.
Nếu có một dịp ghé Tokyo tháng 11, bạn đừng quên trải nghiệm lễ hội Gà trống-Tori no ichi, một nét tín ngưỡng đẹp của dân tộc Nhật trong lòng Tokyo hiện đại, văn minh nhé!
Chúng ta cập nhật lịch diễn ra lễ hội hàng năm tại link bên dưới này nè.
http://www.torinoichi.jp

投稿者プロフィール

Minana
Minana
Konnichiwa, xin chào mọi người,
Gọi mình là Min, là người viết của trang này.

Mình bắt đầu blog này từ 09/11/2019, đây sẽ
là nơi lưu giữ thật nhiều tình cảm của mình.
Mình có viết thêm về mình ở đây nè!
Cảm ơn mọi người thật nhiều!
Minana

Konnichiwa, xin chào mọi người, Gọi mình là Min, là người viết của trang này. Mình bắt đầu blog này từ 09/11/2019, đây sẽ là nơi lưu giữ thật nhiều tình cảm của mình. Mình có viết thêm về mình ở đây nè! Cảm ơn mọi người thật nhiều!