Ẩm thực Nhật Bản,  Văn hoá Nhật Bản

Ngày Tết ở Nhật và món ăn truyền thống Osechi

Ngày Tết Nhật Bản- お正月 (Oshougatsu)

Trước thời kỳ Minh Trị (1868-1912), ngày năm mới của Nhật Bản cũng được dựa theo lịch âm của Trung Quốc, cũng như những người Trung Quốc đương đại, Hàn Quốc, và Việt Nam bấy giờ đó mọi người. Tuy nhiên, vào năm 1873, Nhật Bản đã thông qua lịch Gregorian (hay còn được gọi là Dương lịch, Tây lịch, Công lịch) chính thức xác nhận ngày đầu tháng 1 hàng năm sẽ trở thành ngày mừng năm mới ở Nhật Bản-một ngày lễ quan trọng và được trông đợi nhất trong năm.

Vậy là, mình sẽ được ăn 2 ngày Tết, Tết Nhật và cả Tết Việt Nam luôn!!

Thông thường, người Nhật có kì nghỉ Tết từ cuối tháng 12 cho tới ngày mùng 3/1, hầu hết mọi người sẽ bắt đầu làm việc trở lại vào mùng 4/1. Trùng hợp ngay hai ngày cuối tuần thì kì nghỉ sẽ dài ra, tuỳ tính chất công việc cũng như quy định lịch nghỉ Tết của mỗi công ty là khác nhau.

Vào kì nghỉ Tết, hầu hết người Nhật sẽ dành toàn bộ thời gian để thư giãn, nghỉ ngơi bên gia đình. Trước Tết thì cùng nhau dọn dẹp, sắm sửa, trang hoàng nhà cửa. Cùng nhau ăn cơm tất niên, xem ti vi, đón giao thừa, viết thiệp mừng năm mới, lì xì đầu năm, đi lễ chùa xin lộc,…

Người Nhật cũng hạn chế liên lạc, hẹn gặp mặt, đến thăm nhà người khác trong dịp Tết (tránh phiền khoảng thời gian của họ với gia đình)… ngược lại hoàn toàn với phong tục xông đất đầu năm, tiệc tùng linh đình náo nhiệt như ở Việt Nam mình đó.

Món ăn truyền thống- お節 (Osechi)

Nếu Tết Việt Nam không thể thiếu bánh chưng, bánh tét, dưa hành củ kiệu, nồi thịt kho tàu…thì ở Nhật có thể nói là không thể thiếu mâm cỗ Osechi.

Người Nhật có truyền thống ăn Osechi vào dịp Tết từ thời kì Heian (những năm 794-1185). Osechi là mâm cỗ thức ăn hết sức đặc biệt cả về hình dáng lẫn nội dung, vô cùng nhiều ý nghĩa. Theo truyền thống, người Nhật thường sẽ không vào bếp nấu ăn vào ba ngày đầu năm thay vào đó, họ sẽ chuẩn bị sẵn thức ăn (chủ yếu theo phương pháp ninh, hấp, muối…để có thể ăn được lâu) từ trước Tết, thức ăn được bày rất đẹp, xếp gọn vào một tráp sơn gọi là Juubako, để mở ra ăn từ từ vào những ngày năm mới.

Bên trong thì mỗi món ăn đều bắt mắt, từng món đều có ý nghĩa cầu phúc với những điềm tốt lành. Hộp Juubako về chức năng thì cũng giống như những hộp đựng thức ăn (Obento) thông thường khác, ngoài hộp vuông truyền thống còn có Juubako hình tròn, hình bát giác… Tuy nhiên, hộp đựng Juubako của Osechi có bề ngoài sang trọng được trang trí bằng những họa tiết truyền thống đẹp mắt hơn, thường là có ba hoặc bốn khay chồng lên nhau mang ý nghĩa “hạnh phúc chồng chất” và chỉ được dùng để đựng thức ăn cho năm mới.

Thông thường, Osechi sẽ được sắp xếp, phân loại đẹp mắt và ý nghĩa theo từng tầng:

Tầng thứ nhất, đây như một lời chúc phúc đầu năm, gồm những món ăn mang ý nghĩa tốt lành, dùng để nhắm rượu như:

*Kuromame (đậu đen rim đường-đồng âm với câu “Kuroku mame mame shiku”nghĩa là khỏe mạnh và hăng say làm việc);

*Kazunoko (trứng cá trích trộn với dashi và nước tương-hàng ngàn trứng cá là món ăn với mong muốn sẽ có nhiều con cháu, đời đời tiếp nối);

*Tazukuri (cá mòi được nướng trên than với nước tương và hạt vừng- món ăn tượng trưng về mùa màng bội thu);…

Tầng thứ 2, nổi bật với các món có vị ngọt, rau củ ninh… mà cả người lớn lẫn trẻ con đều thích như:

*Kobumaki (tảo biển cuốn- đồng âm với từ “Yorokombu” có nghĩa là hào hứng, vui mừng, là món ăn mang lại niềm vui);

* Renkon (củ sen-vì hình dáng lát củ sen có lỗ có thể nhìn xuyên qua được, nên trùng với câu nói “mitoushi” có nghĩa là nhìn thấy được tương lai);

*Gobo (món ngưu bàng-ngưu bàng có rễ dài, đâm sâu vào đất thể hiện sự mạnh mẽ, trường tồn từ đời này qua đời khác);

*Kuri Kinton (món khoai lang Nhật Bản được nghiền, thêm đường và ăn cùng với hạt dẻ ngọt- màu vàng của món ăn này hàm ý mong sao cuộc sống lúc nào cũng có nhiều tài lộc, sung túc);…

Ngoài ra còn có khoai sọ, măng tre và cà rốt cùng với nấm shiitake được hấp cách thủy trong nước dùng dashi. Có món củ cải daikon ngâm chua ngọt chống ngấy.

Tầng thứ 3, có tên gọi là “Hạnh phúc từ biển” bởi các món ăn khay này chủ yếu là các món với nguyên liệu thủy hải sản như:

*Ebi (món tôm hấp- vì hình dáng tôm kho chín cong lại hình chữ C, ăn tôm là để mong có thể sống trường thọ tới tận lúc lưng còng lại);

*Tai (cá tráp hồng- ở Nhật Bản, màu hồng được cho là màu của việc hiếu hỷ. Cá tráp hồng, tiếng Nhật đọc là “Tai”, trùng với từ “Omedetai”, có nghĩa là điều đáng mừng. Nên cá Tai được cho là món ăn mang lại điềm may, không thế thiếu trong bất kỳ lễ hiếu hỷ nào);

*Ikura (trứng cá hồi được đựng trong vỏ cam với sắc đỏ tươi, biểu trưng cho sự sinh sôi nảy nở);…

*Kamaboko (Món bánh chả cá với hai màu hồng và trắng thường được cắt miếng và xếp xen kẽ nhau-món ăn tượng trưng cho mặt trời mọc tại Nhật Bản);
*Datemaki (trứng cuộn ngọt-hình dáng của Datemaki trông giống như một cuốn văn kiện ngày xưa, người ta ăn món ăn này vào năm mới với mong muốn có thêm sự thông thái và trí tuệ);…

Ngoài ra còn rất nhiều món ăn khác nhau, tuỳ theo từng tập quán và sản vật vùng miền. Gần như mỗi hộp Osechi mình thấy đều khác nhau vài món, chưa kể các món ăn trong Osechi đều phong phú, hấp dẫn hơn sau mỗi năm nữa.

Nghe mẹ mình nói thì ngày xưa, chưa được tiện lợi và cũng không bận rộn như bây giờ, người ta thường tự chuẩn bị các món ăn trong Osechi cho ngày Tết. Nhưng hiện nay thì hầu hết các cửa hàng, quán ăn, siêu thị đều có nhận đặt sẵn, đa dạng và nhiều lựa chọn hơn nên hầu hết người ta sẽ đặt bên ngoài (về ăn như nhà mình hihi).

Phải công nhận, đêm giao thừa hoặc buổi trưa đầu năm mới, mở từng khay đồ ăn ngon lành, đẹp mắt ra thật sự vô cùng phấn khởi. Từng món ăn được chế biến đơn giản, ít gia vị, ít dầu mỡ, hơn 30 loại đầy đủ dinh dưỡng, đem lại cảm giác khoan khoái, an lành báo hiệu một năm mạnh khỏe, “đủ chất” đó, vì vậy nên tập quán ăn Osechi ngày Tết vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay.

投稿者プロフィール

Minana
Minana
Konnichiwa, xin chào mọi người,
Gọi mình là Min, là người viết của trang này.

Mình bắt đầu blog này từ 09/11/2019, đây sẽ
là nơi lưu giữ thật nhiều tình cảm của mình.
Mình có viết thêm về mình ở đây nè!
Cảm ơn mọi người thật nhiều!
Minana

Konnichiwa, xin chào mọi người, Gọi mình là Min, là người viết của trang này. Mình bắt đầu blog này từ 09/11/2019, đây sẽ là nơi lưu giữ thật nhiều tình cảm của mình. Mình có viết thêm về mình ở đây nè! Cảm ơn mọi người thật nhiều!